Đặc Điểm Nổi Bật Thạch Thất

Đây là vùng quê bán sơn địa, núi đá vôi xen lẫn đồng bằng. Nổi tiếng nhất có chùa Tây Phương ở xã Thạch Xá.

Xã Cần Kiệm là nơi bác Hồ từng sống và làm việc (từ ngày 13-1 đến 2-2-1947, tức 22 tháng Chạp năm Bính Tuất đến 12 tháng Giêng năm Đinh Hợi) tại xóm Lài Cài, thôn Phú Đa. Trong 19 ngày ở Cần Kiệm, Bác cùng với các đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng và Chính phủ họp bàn, quyết định những công việc quan trọng của đất nước. Tại đây, Bác viết Thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ (24-1-1947), Thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô (27-1-1947), Thư gửi các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, tự vệ và dân quân toàn quốc... Bác cũng dành thời gian sửa chữa các sách cũ để cho in lại và phát hành rộng rãi như: Vấn đề du kích, Binh Pháp, Chính trị viên, Chiến thuật du kích...Ngày nay, ngôi nhà lá Bác ở năm xưa đã được gìn giữ, tu tạo thành Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xóm Lài Cài, xã Cần Kiệm

Chàng Sơn nổi tiếng về nghề làm quạt và đồ mộc. Xã Bình Phú nổi tiếng về nghề mây tre đan. Xã Hữu Bằng nổi tiếng về buôn bán, thương mại,

Đồng Trúc là nơi đã xuất hiện cộng đồng dân cư cách đây trên 2000 năm, có nhiều địa chỉ khảo cổ, hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, nhiều dấu tích có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, tôn giáo và tín ngưỡng. Ở đây cũng có đình Trúc Động cổ nhất huyện.

Thạch Thất là quê hương của "Trạng Bùng" Phùng Khắc Khoan, Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân (1804-1838), danh nhân văn hóa Nguyễn Tử Siêu, nhà viết kịch Tào Mạt, nhà thơ Bằng Việt. Thạch Thất cũng là quê hương của võ sư Nguyễn Lộc (1912-1960), người sáng lập môn Vovinam (Việt Võ Đạo)